Theo điều 40 Bộ luật Hình sự 2015: Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do bộ luật này quy định.
Hình phạt này không áp dụng, thi hành với người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên, người bị kết án tử hình về tội tham ô, nhận hối lộ chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Bộ luật hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định 18 tội có hình phạt tử hình, cụ thể như sau:
- Tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi quy định tại Điều 142;
- Tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh quy định tại Điều 194;
- Tội Giết người quy định tại Điều 123;
- Tội Tham ô tài sản quy định tại Điều 353;
- Tội nhận hối lộ quy định tại Điều 354;
- Tội Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược quy định tại Điều 421:
- Tội Chống loài người quy định tại Điều 422;
- Tội phạm chiến tranh quy định tại Điều 423;
- Tội Phản bội Tổ quốc quy định tại Điều 108;
- Tội Mua bán trái phép chất ma túy quy định tại Điều 251;
- Tội Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân quy định tại Điều 109;
- Tội Bạo loạn quy định tại Điều 112;
- Tội Gián điệp quy định tại Điều 110;
- Tội Khủng bố quy định tại Điều 299;
- Tội Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân quy định tại Điều 113;
- Tội Phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại Điều 114;
- Tội Sản xuất trái phép chất ma túy quy định tại Điều 248;
- Tội Vận chuyển trái phép chất ma túy quy định tại Điều 250
Tuấn Thiệt
Ý kiến bạn đọc