Quyền có họ, tên là một trong những quyền nhân thân được Bộ luật Dân sự năm 2015 ghi nhận. Cụ thể, Điều 26 của Bộ luật Dân sự quy định: Cá nhân có quyền có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có). Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó. Tuy nhiên, khi cha, mẹ đặt tên cho con cần đảm bảo những quy định sau:
- Thứ nhất, không được đặt tên xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được quy định tại Điều 3 Bộ Luật dân sự.
- Thứ hai, tên phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam. Quy định này đã khắc phục được tình trạng đặt tên ghép nữa ta nữa tây như trước đây. Ví dụ: Trần Suny, Nguyễn Tomy, …
- Thứ ba, không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ, ví dụ như: Võ Thị 12, Trần Thị * #... sẽ không được chấp nhận.
Ngoài các trường hợp nêu trên thì từ ngày 16 tháng 7 năm 2020 việc đặt tên con còn phải đảm bảo phù hợp với yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam; không đặt tên quá dài, khó sử dụng. Vấn đề này được quy định cụ thể tại Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28 tháng 5 năm 2020 cuả Bộ Trưởng Bộ Tư pháp. Quy định trên đang nhằm mục đích hạn chế việc thỏa thuận đặt tên con quá dài đang làm khó khăn trong công tác quản lý hiện nay. Chẳng hạn như tên: Trần Phan Anh Tuấn; Nguyễn Phan Thị Mộng Trầm…. những tên này không thể in đủ trên thẻ căn cước công dân và các loại giấy tờ khác được in trên thẻ. Do vậy, để thực hiện đúng những quy định của pháp luật hiện hành thì cha, mẹ của trẻ cần lựa chọn, cân nhắc và nên đặt tên cho con tối đa 03 từ (kể cả họ, chữ đệm và tên) nhằm thuận tiện trong các giao dịch sau này./.
Tuấn Thiệt
Ý kiến bạn đọc