Luật Hộ tịch năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có những bước tiến mới thể hiện sự tiến bộ trong hoạt động lập pháp, cụ thể là cho phép người yêu cầu cam đoan trong những trường hợp cần thiết về những sự kiện pháp lý, thông tin đăng ký hộ tịch. Tuy nhiên nếu cam đoan sại sự thật là một trong những hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 12 Luật Hộ tịch năm 2014. Việc cam đoan trong hoạt động đăng ký khai sinh được áp dụng cho những trường hợp sau:
- Cam đoan việc sinh: Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.
- Cam đoan trong trường hợp đăng ký lại khai sinh do người yêu cầu không còn giữ bản chính khai sinh: người yêu cầu cam đoan về việc đã đăng ký khai sinh nhưng không lưu giữ được bản chính Giấy khai sinh.
- Cam đoan khi không nhận được kết quả xác minh đối với thủ tục đăng ký lại khai sinh.
- Cam đoan đối với trường hợp đăng ký khai sinh cho người đã có hồ sơ gồm: cam đoan về việc chưa đăng ký khai sinh; cam đoan về việc đã nộp đủ các giấy tờ mình có; cam đoan về thông tin của cha, mẹ trong trường hợp cơ quan công an trả lời không có thông tin;
- Cam đoan về ngày, tháng sinh đối với những trường hợp bổ sung khai sinh mà không có giấy tờ, hồ sơ cá nhân nào có ngày, tháng sinh.
Luật cho phép người yêu cầu đăng ký khai sinh cam đoan nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động đăng ký và quản lý hộ tịch. Nếu người yêu cầu cam đoan không đúng sự thật thì phải chịu trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cam đoan đó. Căn cứ quy định Điều 37 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ, có hiệu lực ngày 01/9/2020 thì người cam đoan có thể bị phạt tiền từ 03 triệu đến 05 triệu đồng đối với các hành vi cam đoan, làm chứng, cung cấp hồ sơ, giấy tờ không đúng sự thật. Không chỉ thế, những giấy tờ hộ tịch có thể bị thu hồi và hủy bỏ theo quy định Luật Hộ tịch./.
Tuấn Thiệt
Ý kiến bạn đọc