Đăng ký nhận cha, mẹ, con là một trong những sự kiện pháp lý được quy định trong Luật Hộ tịch năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo đó người có yêu cầu phải đến liên hệ thực hiện tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cung cấp những giấy tờ được quy định cụ thể do Luật định (được cụ thể hóa trong bộ thủ tục hành chính do UBND tỉnh ban hành).
Theo đó, đăng ký nhận cha, mẹ con là việc cơ quan có thẩm quyền đăng ký ghi vào sổ hộ tịch để công nhận chính thức một người là cha hoặc một người là mẹ của người con trong trường hợp vào thời điểm đăng ký khai sinh cho người con người đó chưa được khai là người cha hoặc mẹ của người con.
Tại Điều 14 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ Trưởng Bộ Tư pháp, có hiệu lực ngày 16/7/2020 quy định một trong những căn cứ để xác định cha, mẹ con là văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con. Ngoài ra, Thông tư cũng quy định nếu các bên yêu cầu không thể xuất trình được những giấy tờ trên thì cơ quan có thẩm quyền cho phép các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con và có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con. Tại thời điểm lập văn bản cam đoan Công chức phụ trách thực hiện phải giải thích rõ cho người lập văn bản cam đoan về trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cam đoan không đúng sự thật.
Tuy nhiên, việc cam đoan trên không phải lúc nào cũng đúng sự thật. Để có chế tài đối với hành vi trên, tại điểm b, khoản 2 Điều 43 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ, có hiệu lực ngày 01/9/2020 quy định người cam đoan, người làm chứng không đúng sự thật đối với việc nhận cha, mẹ, con có thể bị phạt tiền từ 03 triệu đến 05 triệu đồng. Không chỉ thế, Trích lục nhận cha, mẹ, con đã được cấp và những giấy tờ hộ tịch khác phát sinh từ việc nhận cha, mẹ, con có thể bị thu hồi và hủy bỏ theo quy định Luật Hộ tịch./.
Ý kiến bạn đọc