GIỚI THIỆU CHUNG XÃ TRÍ BÌNH

I. ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH

1. Vị trí địa lý

Trí Bình là xã nội địa, nằm về hướng Tây của huyện Châu Thành, cách trung tâm huyện Châu Thành 1,5 km, giáp với các đơn vị như sau:

Phía Bắc giáp xã Hảo Đước và xã Thái Bình.

Phía Nam giáp xã Thành Long và xã Ninh Điền.

Phía Đông giáp thị trấn Châu Thành và xã An Bình.

Phía Tây giáp xã Hòa Hội và sông Vàm Cỏ Đông.

2. Diện tích, dân số:

- Diện tích tự nhiên 2.123 ha.

- Dân số xã theo thống kê 2150 hộ, 7.666 người, dân tộc thiểu số 8 hộ, 54 khẩu, trong đó: 2 hộ dân tộc Chăm, 29 khẩu; 6 hộ dân tộc Hoa, 25 khẩu.

Địa bàn xã Trí Bình được chia thành 4 ấp với 50 tổ dân cư tư quản. Cụ thể:

+ Ấp Xóm Ruộng: 653 hộ, 2320 nhân khẩu, phân thành 16 tổ dân cư tự quản.

+ Ấp Xóm Mới 1: 421 hộ, 1471 nhân khẩu, phân thành 12 tổ dân cư tự quản.

+ Ấp Tầm Long: 543 hộ, 1912 nhân khẩu, phân thành 10 tổ dân cư tự quản.

+ Ấp Xóm Mới 2: 533 hộ, 1963 nhân khẩu, phân thành 12 tổ dân cư tự quản.

3. Giao thông

Trên địa bàn xã có 6 trục đường giao thông chính là đường trục xã: 06 tuyến với tổng chiều dài khoảng  4.986 km. Ngoài ra còn có:

- Đường ấp, trục ấp: 10 tuyến với tổng chiều dài khoảng 7.763 km.

- Đường ngõ, xóm: 38 tuyến với tổng chiều dài khoảng 16.992 km.

- Đường trục chính nội đồng: 15 tuyến với tổng chiều dài khoảng  14.187 km.

II. LỊCH SỬ, TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA

1. Lịch sử:

Trí Bình, huyện Châu Thành được thành lập đầu năm 1917. Việc phân vạch địa giới một số xã thuộc tỉnh Tây Ninh theo Nghị định Chính phủ 364-CT ngày 06 tháng 11 năm 1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là thủ tướng Chính phủ) về việc giải quyết những tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã và thành lập bản đồ, hồ sơ ĐGHC các cấp.

Xã Trí Bình - Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân (1945-1975).

Xã Trí Bình trước đây chỉ là ấp Tầm Long của làng Hảo Đước (làng Hảo Đước còn có tên gọi khác là làng Mãnh Hỏa). năm 1859, giặc Pháp đánh chiếm Gia Định. Tháng 8 năm 1860, Thống đốc Quân vụ Đại thần Nguyễn Tri Phương vào Gia Định tổ chức lực lượng chống pháp và cho xây dựng phòng chống tuyến Đại Đồn ở Chí Hòa. Ngày 25/02/1861, Đại Đồn thất thủ, Pháp chiếm được thành Gia Định. Sau khi đánh chiếm Gia Định, thực dân Pháp mở rộng cuộc chiến ra các tỉnh miền Đông, đánh chiếm Trảng Bàng, Tây Ninh.

Khi Pháp triển khai lực lượng tiến hành đánh chiếm Tây Ninh, Tham tán Quân vụ Phủ Tây Ninh Khâm Tấn Tường không tuân lệnh bãi binh của triều đình Huế mà tiếp tục lãnh đạo binh sĩ đánh Pháp. Ông rút về vùng rừng rộng lớn phía tây của phủ Tây Ninh, thành lập phủ mới An Cơ, xây dựng thành An Cơ (nay thuộc xã An Cơ, huyện Châu Thành) làm căn cứ chống Pháp.

Sau khi được tên tay sai Hương trùm Hạt dẫn đường đánh thành, quân Pháp phá được thành An Cơ. Tham tán Quân vụ Khâm Tấn Tường quyết không đầu hàng, không để rơi vào tay giặc đã tuẫn tiết tại chỗ.

Tiêu diệt được nghĩa quân của Khâm Tấn Tường, thực dân Pháp liền thực hiện chính sách “chiêu an” dân chúng. Chính quyền thực dân đô hộ ra quyết định thành lập một làng mới, gọi là làng Hữu Đức. Từ tên gọi là Hữu Đức, dân làng đã gọi trại đi trở thành Hảo Đước. Địa giới hành chính làng Hảo Đước lúc bấy giờ rất rộng lớn, bao gồm cả xã Phước Vinh, xã Trí Bình, thị trấn Châu Thành và một phần đất của huyện Tân Biên ngày nay.

Bởi địa bàn rộng lớn, nên mỗi lần các bô lão và nhân dân ấp Tầm Long muốn về làng Hảo Đước hội họp, phải trải qua một đoạn đường rất xa, băng qua nhiều khu rừng, đối mặt với nhiều loài thú dữ; phải vượt hai con suối lớn, là Suối Bà Chòi toàn đầm lầy (nay là bưng Rỗng Tượng, thuộc ấp Xóm Mới II) con suối chảy xuyên qua rừng Truông Ồng Hổ, sình lầy khó đi. Vì thế, nhân dân ấp Tầm Long họp bàn, xin tách thành một xã riêng.

Đầu năm 1917, ông Đoàn Văn Mầu, còn có tên riêng là Đoàn Văn Thạnh cùng con trai là Đoàn Văn Sang, người của ấp Tầm Long, được nhân dân Hảo Đước tín nhiệm đề đạt làm Hương cả và Xã trưởng. Nhân cơ hội đó, thể theo ý nguyện của nhân dân trong ấp, hai cha con ông Đoàn Văn Mầu đồng ý cùng nhân dân ký tên vào bản kiến nghị trình lên quan tham biện và tỉnh trưởng Tây Ninh xin được tách làng Hảo Đước ra làm hai. Được tỉnh trưởng Tây Ninh đồng ý, ấp Tầm Long tách khỏi làng Hảo Đước, trở thành một làng riêng biệt lấy tên là làng Trí Bình. Làng Trí Bình mới thành lập gồm có 3 ấp là: Ấp Tầm Long, ấp Trại Dầu và ấp Xóm Ruộng. Dân cư của làng khoảng 500 người.

Sau khi thành lập làng Trí Bình, ông Đoàn Văn Mầu cho dựng Đình Trí Bình bằng tre lá, để thờ phụng Thành Hoàng Bổn Cảnh và các chư vị tiền thân khai lập nên làng Trí Bình.

Như vậy, xã Trí Bình được thành lập vào năm 1917 mà tiền thân là ấp Tầm Long, là làng Trí Bình, gắn liền với vai trò và công lao của hai cha con ông Đoàn Văn Mầu và Đoàn Văn Sang.

Năm 1951, cùng với việc sáp nhập tỉnh[1], Huyện ủy Châu Thành cũng tiến hành sáp nhập một số xã trong huyện thành liên xã. Trong đó, Trí Bình sáp nhập cùng các xã Hảo Đước, Hòa Hội thành xã Đước Hòa Bình. Đến năm 1954, sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ II kết thúc thắng lợi, liên xã Đước Hòa Bình tách ra và được trả về ranh giới cũ. Trí Bình trở thành một xã riêng.

2. Truyền thống văn hóa:

Lễ cúng Kỳ Yên tại Đình Trung, ấp Tầm Long, được diễn ra hàng năm vào ngày rầm tháng giêng âm lịch.

III. DI TÍCH, DANH THẮNG

* Di tích Lịch sử – Văn hóa

Đình Trung, ấp Tầm Long, xã Trí Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.

 

[1] Thực hiện chủ trương của Trung ương Cục miền Nam, ngày 19-5-1951, tại cuộc họp được tổ chức ở Long Nguyên, Bến Cát, tỉnh Tây Ninh cùng với hai huyện Đức Hòa Thành, Trung Huyện của tỉnh Chợ Lớn và hai huyện Gò Vấp, Hóc Môn của tỉnh Gia Định sáp nhập lại thành tỉnh Gia Định - Ninh.

Danh mục
Một cửa điện tử
báo QĐND
csdl quoc gia ve van ban phap luat
hoctapvalamtheotamguonghochiminh
congthontintructuyen
webcskhdungdien
hopthudientu
duongdaynong
hopthuphongchongthamnhung
congbaotayninh
CCHC
hoidap
congkhaiminhbach
gopyduthao
tailieuxuctiendautu
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập28
  • Hôm nay595
  • Tháng hiện tại46,677
  • Tổng lượt truy cập4,959,724
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây