Trường hợp thứ nhất, vào sáng ngày 19/7/2021, tổ công tác của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 xã An Thạnh 3 (huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng) đang trực tại chốt kiểm soát dịch thì phát hiện Trần Văn Hùng (SN 1977, ngụ xã An Thạnh 3) điều khiển xe máy đi qua nhưng không đeo khẩu trang. Cán bộ trực chốt đã yêu cầu Hùng dừng xe khai báo y tế và mang khẩu trang. Nhưng Hùng không thực hiện và vẫn cho xe chạy qua chốt buộc lực lượng chức năng phải truy đuổi. Đến khu vực Ủy ban nhân dân xã An Thạnh 3, tổ công tác buộc Hùng dừng phương tiện, nhắc nhở đối tượng về việc không mang khẩu trang, không chấp hành Chỉ thị 16 khi ra đường không có lý do chính đáng. Tuy nhiên, Hùng chẳng những không chấp hành mà còn có lời nói đe dọa, nhục mạ thành viên tổ công tác. Sau đó, Hùng nhặt một khúc gỗ đánh thành viên tổ công tác; đồng thời tiếp tục có lời nói đe dọa, thách thức. Tổ công tác tiến hành khống chế, bắt giữ đối tượng đưa về trụ sở để làm việc.
Trường hợp thứ hai, vào khoảng 19 giờ 30 phút ngày 20/7/2021, sau khi uống rượu, bị cáo Trần Minh Luân (28 tuổi, trú khối phố Tây Hòa, thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) là người thuộc diện F1 đang cách ly y tế tại nhà đã đi đến chốt phong tỏa tại khối phố Tây Hòa, yêu cầu lực lượng trực chốt cho mình ra ngoài khu vực phong tỏa. Mặc dù lực lượng thi hành công vụ giải thích nhưng Luân không chấp hành mà về nhà đập chai thủy tinh làm hung khí tấn công lực lượng đang làm nhiệm vụ gây thương tích cho một cán bộ làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19.
Trường hợp thứ ba, cùng ngày 20/7/2021, vào khoảng 19 giờ 45 phút, Nguyễn Tấn Thạch (29 tuổi, ở thôn Thượng Phú, xã Bình Kiến, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) chạy xe máy biển số 78C1-462.16 chở ông L.N.C (50 tuổi, ở cùng thôn) đến tại chốt phong tỏa phòng chống dịch Covid-19 trên đường liên thôn thuộc thôn Thượng Phú. Lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt chặn lại, yêu cầu Thạch đeo khẩu trang và không được đi ra khỏi khu vực phong tỏa. Thạch không chấp hành, chở ông C vượt chốt phong tỏa. Khoảng 05 phút sau, Thạch chạy xe quay lại chốt phong tỏa lớn tiếng đe dọa, chửi bới, cầm dao tự chế đe dọa tổ công tác.
Trường hợp thứ tư, vào chiều tối ngày 24/7/2021, tổ tuần tra lưu động Công an huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên phối hợp Công an xã Hòa An, huyện Phú Hòa tiến hành tuần tra, tuyên truyền và xử lý hành vi vi phạm liên quan đến phòng chống dịch Covid-19 tại khu vực vòng xuyến quốc lộ 1 - quốc lộ 25 (thôn Ân Niên, xã Hòa An). Thời điểm này, Phạm Văn Hiếu (34 tuổi) trú thôn Đông Phước, xã Hòa An điều khiển xe mô tô biển số 78C1-317.11 chở Huỳnh Thị Hạnh (27 tuổi) trú xã Hòa Kiến, thành phố Tuy Hòa đến dựng xe ngang nhiên trên Quốc lộ 25 sát vị trí tổ tuần tra. Thấy vậy, ông Huỳnh Khắc Vân, Trưởng Công an xã Hòa An yêu cầu Hiếu xuất trình giấy tờ xe, giấy tờ tùy thân và giấy tờ chứng minh ra đường khi thật sự cần thiết. Hiếu không xuất trình giấy tờ mà còn lớn tiếng chửi bới lực lượng đang làm nhiệm vụ, rồi dùng điện thoại cá nhân quay phim. Ông Vân nhắc nhở và yêu cầu Hiếu về nhà vì địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Hiếu không chấp hành mà còn lấy đá đập xuống giải phân cách, rồi ngang nhiên nằm xuống mặt đường Quốc lộ 25 gây cản trở giao thông, thách thức lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ. Ông Trương Công Bảo, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an huyện Phú Hòa yêu cầu Hiếu không được cản trở giao thông thì Hiếu đứng dậy chửi bới, rồi lấy mũ bảo hiểm đánh ông Bảo.
Trường hợp thứ năm, vào khoảng 16 giờ 50 phút ngày 30/7/2021, Trung úy Hoàng Văn Thọ - Cán bộ cảnh sát khu vực Công an phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội - trực chốt phòng, chống dịch Covid-19 tại ngõ 127 Lạc Long Quân. Lúc này, Trung úy Thọ phát hiện ông ông Nguyễn Văn H (79 tuổi, ở Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) đi bộ trong ngõ và không đeo khẩu trang, vi phạm quy định phòng, chống dịch nên đã tiến lại gần nhẹ nhàng nhắc nhở. Tuy nhiên, ông H không những không chấp hành mà còn chửi bới lực lượng làm nhiệm vụ. Khi anh Thọ tiếp tục nhắc nhở thì bị ông H cầm mũ cối đánh thẳng vào mặt khiến anh bị chảy máu.
Đối với các trường hợp chống người thi hành công vụ, tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi và hậu quả do hành vi đó gây ra mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị xử lý trách nhiệm hình sự.
Theo đó, nếu bị xử lý vi phạm hành chính sẽ áp dụng Khoản 2, Khoản 3 Điều 20 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, cụ thể như sau:
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ; có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ; xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ; gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ; đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu số tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác đối với hành vi đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính.
Trong trường hợp bị xử lý hình sự, Điều 330 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định người phạm tội chống người thi hành công vụ thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù, mức thấp nhất là 06 tháng, cao nhất đến 07 năm./.
Nguồn: Anh Tuyết - Phòng PBGDPL (Sở Tư pháp tỉnh Tây Ninh)