Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai

Thứ ba - 22/06/2021 18:00 294 0

Khi có tranh chấp đất đai phát sinh, Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
1. Hòa giải tại UBND cấp xã
    Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
Thủ tục hòa giải tại UBND cấp xã:
   - Trong 45 ngày từ ngày nhận đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, UBND xã phải lập Hội đồng hòa giải (gồm: đại diện UBND, Mặt trận Tổ quốc và các thành viên khác của mặt trận) để tổ chức thực hiện hòa giải.
   - Kết quả hòa giải phải được thể hiện bằng biên bản có chữ kí xác nhận của Hội đồng hòa giải và các bên đương sự.
   - Hệ thống Tòa án nhân dân và UBND từ cấp huyện trở lên không có quyền thụ lý, nhận đơn để giải quyết tranh chấp nếu tranh chấp đó chưa được tổ chức hòa giải tại UBND cấp xã.
Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì UBND cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.
    Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
    Nếu tranh chấp đã được hòa giải tại UBND cấp xã nhưng không thành thì căn cứ theo quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, các đương sự có thể yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND hoặc tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
2. Giải quyết tranh chấp tại Tòa án nhân dân
   Để khởi kiện vụ án tranh chấp đất đai tại Tòa án và được Tòa án thụ lý giải quyết thì các đương sự phải thỏa mãn 2 điều kiện.
   + Thứ nhất: đương sự phải thuộc trường hợp mà Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.
    + Thứ hai: vụ việc đã qua hòa giải tại UBND cấp xã trong những trường hợp pháp luật quy định.
Việc giải quyết tranh chấp đất đai tại Toà án được thực hiện theo quy định chung của Bộ luật Tố tụng dân sự.
     Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để khởi kiện vụ án tại Toà án có thẩm quyền.
      Đất đai là một loại bất động sản nên Toà án có thẩm quyền giải quyết là Toà án nơi có bất động sản.
     Người khởi kiện vụ án gửi đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đến Toà án có thẩm quyền, thực hiện việc tạm ứng án phí và hoàn chỉnh hồ sơ, đơn khởi kiện theo yêu cầu của Tòa án. Sau đó, Tòa án sẽ thụ lý giải quyết. Toà án nhân dân tiến hành hoà giải để các đương sự tiến hành thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Đây là giai đoạn bắt buộc trong quá trình giải quyết vụ án dân sự và việc hoà giải này cũng khác với việc hoà giải trước khi khởi kiện. Hoà giải trong giai đoạn này do Toà án nhân dân chủ trì và tiến hành. Nếu hòa giải thành thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành, hết thời hạn 07 ngày mà các đương sự không thay đổi ý kiến thì tranh chấp chính thức kết thúc (đây là hòa giải trong quy trình tố tụng, khác với hòa giải ở UBND cấp xã). Nếu hoà giải không thành thì Toà án quyết định đưa vụ án ra xét xử. Ngay trong quá trình xét xử, các đương sự vẫn có thể thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Nếu không đồng ý với bản án, các bên đương sự có thể kháng cáo theo trình tự phúc thẩm. Việc giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án về tranh chấp đất đai được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
3. Giải quyết tranh chấp tại UBND cấp huyện trở lên
Để yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai tại UBND cấp huyện trở lên cần đáp ứng các điều kiện sau:
     + Thứ nhất: các đương sự không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định và lựa chọn giải quyết tranh chấp tại UBND.
      + Thứ hai, tranh chấp đã qua hòa giải tại UBND cấp xã.
Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
     Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
             Nguồn: Phòng PBGDPL - Sở Tư pháp tỉnh Tây Ninh

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập25
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm18
  • Hôm nay1,775
  • Tháng hiện tại46,838
  • Tổng lượt truy cập3,954,175
báo QĐND
csdl quoc gia ve van ban phap luat
hoctapvalamtheotamguonghochiminh
congthontintructuyen
webcskhdungdien
hopthudientu
duongdaynong
hopthuphongchongthamnhung
congbaotayninh
CCHC
hoidap
congkhaiminhbach
gopyduthao
tailieuxuctiendautu
guigopyphananhdan
guigopyphananhdoanhnghiep
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây