Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Ðông: Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới.

Thứ tư - 30/06/2021 23:00 359 0

Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Ðông:

Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới 

BTN - Khởi công xây dựng từ cuối tháng 4 năm 2018, Dự án thuỷ lợi tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Ðông được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân hai huyện Châu Thành và Bến Cầu.

Hệ thống ống dẫn nước vượt sông Vàm Cỏ Ðông.

Giải quyết nhu cầu nước tưới cấp bách

Từ nhiều năm qua, tình trạng thiếu nước sản xuất nông nghiệp tại các xã biên giới thuộc hai huyện Châu Thành và Bến Cầu thường xuyên xảy ra - nhất là vào mùa khô trong năm.

Ông Tâm, một nông dân tại ấp Bến Cừ, xã Ninh Ðiền (huyện Châu Thành) canh tác hơn 5 ha mì cho biết, từ xưa đến nay, gia đình ông và các hộ trong vùng sử dụng nước giếng khoan để sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.

Những năm gần đây, nắng hạn bất thường, các giếng khoang trên địa bàn thường xuyên hụt nước, khiến việc canh tác nông nghiệp của người dân hết sức khó khăn, nhiều nơi thiếu nước tưới, khiến cây trồng chậm phát triển.

Một nông dân tại ấp Thành Tây, xã Thành Long (huyện Châu Thành) chia sẻ, tình trạng thiếu nước tưới thường diễn ra sau tết nguyên đán đến giữa tháng 3 hằng năm. Ðể có nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất, ngoài việc phải tăng độ sâu của giếng khoan, nhiều người còn tìm cách đào âm xuống mặt đất hơn 2m để đặt máy mới bơm được nước.

Còn theo ông Thắng, nông dân ngụ ấp Phước Trung, xã Long Phước (huyện Bến Cầu), để canh tác gần 4 ha mì, mỗi tháng gia đình ông phải tiêu tốn hơn 1 triệu đồng tiền điện bơm nước tưới.

Ðến cuối vụ, sau khi trừ hết chi phí đầu tư, may mắn lắm mới có chút lợi nhuận, gọi là "lấy công làm lời", còn không thì thua lỗ. "Tôi hy vọng dự án sớm hoàn thành và đi vào hoạt động, để việc canh tác nông nghiệp của bà con sẽ không còn trông chờ vào nước mưa. Khi có nguồn nước ổn định, người dân có thể mạnh dạn chuyển đổi sang nhiều loại cây trồng khác, hiệu quả kinh tế cao hơn"- ông Thắng chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Chủ tịch UBND xã Ninh Ðiền cho biết, Ninh Ðiền có khoảng 8.300 ha đất nông nghiệp (gồm 1.100 ha đất rừng), trong đó có gần 4.000 ha đất sản xuất nông nghiệp thường xuyên thiếu nước tưới. Ðể phục vụ sản xuất và sinh hoạt, nhiều hộ phải đào giếng sâu từ 2-4m mới có nước bơm.

Xã Long Phước (huyện Bến Cầu) có Trạm bơm Long Phước A, cung cấp nước tưới cho khoảng 650 ha đất nông nghiệp của bà con. Theo ông Ngô Thanh Tùng- Phó Chủ tịch UBND xã Long Phước, do hạn chế về hệ thống kênh nhánh và lưu lượng nên còn hơn 300 ha đất sản xuất (thuộc các ấp Phước Ðông, Phước Trung) thiếu nước tưới vào mùa khô. Chính vì vậy, người dân thường chỉ canh tác một vụ lúa, thời gian còn lại trong năm sẽ canh tác những loại cây trồng chịu hạn, cần ít nước như mía, mì, bắp...

Ông Nguyễn Thành Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết, Châu Thành là một trong những huyện có điều kiện kinh tế còn khó khăn, phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp các xã khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Ðông thiếu nước tưới nghiêm trọng vào mùa khô. Nguồn nước sử dụng cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân chủ yếu là nước sông Vàm Cỏ Ðông và hệ thống nước ngầm.

Những năm gần đây, nước trên sông Vàm Cỏ Ðông cạn kiệt do phía Campuchia làm đập chặn nước khu vực thượng nguồn; việc khai thác nước ngầm bằng hình thức bơm không ổn định, chi phí lớn, không đáp ứng nhu cầu tưới cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.

Việc Ðầu tư dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Ðông nhằm cung cấp nước tưới chủ động cho sản xuất nông nghiệp các xã biên giới là hết sức cần thiết, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị và phát triển hàng hoá bền vững, biến khu vực này thành vùng nông nghiệp trù phú, giúp cải thiện đời sống người dân vùng nông thôn, biên giới.

Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới

Ông Ngô Thanh Tùng- Phó Chủ tịch UBND xã Long Phước cho biết, dự án thuỷ lợi đoạn qua địa bàn xã đã cơ bản thực hiện hoàn chỉnh hệ thống kênh chính, địa phương đang thực hiện lấy ý kiến người dân về việc thu hồi và bồi thường giải phóng mặt bằng để thi công tuyến kênh nhánh cấp 1 N9A.

Dự kiến, sau khi vận hành dự án cung cấp nước tưới cho diện tích còn lại của xã, góp phần phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân, thúc đẩy thâm canh, tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị kinh tế.

Ông Nguyễn Thành Trung - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cung cấp thêm thông tin, sau khi dự án được vận hành, huyện sẽ vận động người dân chuyển một số diện tích sản xuất cơ cấu luân canh 2 lúa 1 màu sang cơ cấu luân canh 1 lúa 2 màu, trồng lúa chất lượng cao, lúa đặc sản và sản xuất theo yêu cầu của doanh nghiệp. Ðồng thời, xây dựng chuỗi sản xuất rau trồng nhà lưới, nhà màng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, rau hữu cơ cung ứng hệ thống siêu thị, cửa hàng, các chợ và nhà máy chế biến.

Bên cạnh đó, huyện sẽ rà soát lại những vùng đất có thổ nhưỡng phù hợp các loại cây trồng như: dứa (thơm), thanh long, dừa, xoài, mít, bưởi... để mở rộng và tăng diện tích phát triển theo vùng quy mô cánh đồng lớn, trên cơ sở giảm diện tích trồng cao su, mía và một số cây hằng năm khác.

Ngoài ra, ngành chăn nuôi của huyện cũng cơ cấu lại theo hướng phát triển các trại chăn nuôi quy mô lớn, tiếp tục cải tiến công nghệ chăn nuôi, hệ thống xử lý chất thải bảo vệ môi trường, tập trung phát triển và quản lý chăn nuôi quy mô gia trại đối với heo, gia cầm, thuỷ cầm theo tổng đàn hiện có.

Tập trung phát triển chăn nuôi bò thịt, trâu thịt, tăng đàn chăn nuôi gia trại với quy mô từ 10 con trở lên, bảo đảm thực hiện tiêm phòng, vệ sinh an toàn dịch bệnh và môi trường.

Hệ thống kênh chuyển nước được tích nước thử nghiệm.

Theo Ban Quản lý Dự án đầu tư và xây dựng ngành nông nghiệp tỉnh, Dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Ðông là dự án công trình thuỷ lợi cấp II, với tổng mức đầu tư 1.147 tỷ đồng, được UBND tỉnh phê duyệt và chính thức khởi công ngày 27.4.2018.

Dự án bao gồm các hạng mục: Hệ thống kênh chuyển nước dài 16,67km, trong đó, hơn 2,3km là hệ thống dẫn nước vượt sông Vàm Cỏ Ðông với kết cấu bằng ống thép đường kính 2D-2,4m, hai bên bố trí đường giao thông cho xe thô sơ phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân và công tác quản lý vận hành; tuyến kênh tưới chính dài 29,41km và hệ thống 17 tuyến kênh cấp I có tổng chiều dài trên 71km.

Sau khi hoàn thành, dự án sẽ dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng qua hệ thống kênh Tây và kênh TN21 vượt qua sông Vàm Cỏ Ðông phục vụ tưới tiêu cho gần 17.000 ha đất sản xuất nông nghiệp và nhu cầu nước sinh hoạt của người dân hai huyện Châu Thành và Bến Cầu.

Ðến nay, dự án đã thực hiện trên 70% khối lượng. Trong đó, hệ thống kênh chuyển nước và tuyến kênh tưới chính đã hoàn thành đúng thiết kế. Riêng hệ thống dẫn nước vượt sông Vàm Cỏ Ðông đang được thi công.

Cũng theo Ban Quản lý Dự án đầu tư và xây dựng ngành nông nghiệp tỉnh, do nguồn vốn hạn hẹp, trong giai đoạn I của dự án mới bê tông hoá được tuyến kênh chuyển nước, còn lại 29,41km kênh tưới chính và các tuyến kênh cấp I chưa được bê tông hoá bảo vệ, nên khi đưa vào vận hành khai thác sẽ làm thất thoát một lượng nước khá lớn. Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng tại xã Thành Long (huyện Châu Thành) còn gặp khó khăn, khiến việc thi công dự án chưa đạt tiến độ theo yêu cầu đặt ra.

Nguồn: baotayninh.vn

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập83
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm80
  • Hôm nay3,165
  • Tháng hiện tại49,247
  • Tổng lượt truy cập4,962,294
Một cửa điện tử
báo QĐND
csdl quoc gia ve van ban phap luat
hoctapvalamtheotamguonghochiminh
congthontintructuyen
webcskhdungdien
hopthudientu
duongdaynong
hopthuphongchongthamnhung
congbaotayninh
CCHC
hoidap
congkhaiminhbach
gopyduthao
tailieuxuctiendautu
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây