Quyền sống được quy định như thế nào trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 và trong pháp luật Việt Nam

Thứ năm - 05/09/2019 23:00 283 0

1. Quyền sống được quy định trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966

Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 là điều ước quốc tế quan trọng nhất bảo vệ và thúc đẩy các quyền dân sự và chính trị của mọi cá nhân cộng đồng nhân loại, trong đó có quyền sống.

Cụ thể hóa ghi nhận tại Điều 3 Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền năm 1948, khoản 1 Điều 6 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 quy định: “Mọi người đều có quyền cố hữu là được sống. Quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước mạng sống một cách tùy tiện”.

Bên cạnh đó, khoản 2, khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 6 Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 cũng là những quy định mang tính cơ sở về việc tiến dần tới xóa bỏ hình phạt tử hình tại bất kỳ quốc gia thành viên nào của Công ước, cụ thể:

“2. Ở những nước mà hình phạt tử hình chưa được xoá bỏ thì chỉ được phép áp dụng án tử hình đối với những tội ác nghiêm trọng nhất, căn cứ vào luật pháp hiện hành tại thời điểm tội phạm được thực hiện và không được trái với những quy định của Công ước này và của Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng. Hình phạt tử hình chỉ được thi hành trên cơ sở bản án đã có hiệu lực pháp luật, do một toà án có thẩm quyền phán quyết.

...

4. Bất kỳ người nào bị kết án tử hình đều có quyền xin ân giảm hoặc xin thay đổi mức hình phạt. Việc ân xá, ân giảm hoặc chuyển đổi hình phạt tử hình có thể được áp dụng đối với mọi trường hợp.

5. Không được phép tuyên án tử hình với người phạm tội dưới 18 tuổi và không được thi hành án tử hình đối với phụ nữ đang mang thai.

6. Không một quy định nào trong điều này có thể được viện dẫn để trì hoãn hoặc ngăn cản việc xoá bỏ hình phạt tử hình tại bất kỳ quốc gia thành viên nào của Công ước„.

Quyền sống là “quyền tối cao”, được gắn liền với “tự do và an ninh cá nhân”. Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc (HRC) đã khẳng định quyền sống là “một quyền cơ bản của con người mà trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả trong tình trạng khẩn cấp của quốc gia, cũng không thể bị vi phạm... ”. Quyền sống có cả nghĩa thụ động, theo đó là một quyền mà không thể bị tước đoạt một cách tùy tiện, trái pháp luật. Bên cạnh đó còn có cả nghĩa chủ động, tức là Nhà nước phải thông qua các biện pháp có tính chất tạo ra môi trường thuận lợi cho sự toàn vẹn tính mạng của cá nhân; chủ động trong việc triển khai các hoạt động nhằm bảo vệ quyền sống của các cá nhân thuộc quyền tài phán của mình.

2. Quyền sống được quy định trong pháp luật Việt Nam

a. Hiến pháp năm 2013

Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung một quyền mới đó là quyền sống, cụ thể: “Điều 19. Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”.

Mặt khác, Điều 14 Hiến pháp năm 2013 cũng quy định:“1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. 2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Bên cạnh đó, Điều 48 Hiến pháp năm 2013 quy định:“Người nước ngoài cư trú ở Việt Nam phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; được bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng theo pháp luật Việt Nam”.

Quyền sống quy định trong Hiến pháp năm 2013 đồng nghĩa với việc ràng buộc nghĩa vụ của Nhà nước phải bảo vệ sự sống của con người mọi lúc, mọi nơi và chỉ có thể bị hạn chế trong một số trường hợp cần thiết theo Luật định.

b. Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017

Khoản 1 Điều 40 quy định:“Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định”.

Có thể thấy, điều khoản trên đã cụ thể hóa những trường hợp phạm tội có thể phải chịu án tử hình - tức là tước đi mạng sống con người, ngoài những trường hợp nêu trên, tổ chức, cá nhân phạm tội mà gây thiệt hại đến tính mạng con người thì chịu những chế tài tương ứng, cụ thể:

- Điều 78, 79, 80 quy định đình chỉ hoạt động có thời hạn; đình chỉ hoạt động vĩnh viễn và cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định đối với Pháp nhân thương mại phạm tội, theo đó, trong một số lĩnh vực, nếu mức độ phạm tội gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng con người thì sẽ bị áp dụng các biện pháp nêu trên.

- Khoản 1 Điều 113 quy định: “Người nào nhằm chống chính quyền nhân dân mà xâm phạm tính mạng của cán bộ, công chức hoặc người khác hoặc phá hủy tài sản của Cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình”.

- Từ Điều 123 đến 133 quy định về các tội phạm xâm phạm tính mạng con người và kèm theo đó là chế tài tương ứng.

- Điểm a khoản 4 Điều 134 quy định: người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe mà hậu quả làm chết người thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm.

- Điểm b khoản 2 Điều 135 quy định: người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh mà hậu quả gây tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc làm chết người thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Khoản 3 Điều 136 quy định: người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội mà hậu quả dẫn đến chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

- Điểm d khoản 3 Điều 154 quy định: người nào mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người mà hậu quả làm chết người thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

- Điểm c khoản 4 Điều 168 quy định: người nào cướp tài sản mà hậu quả làm chết người thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

- Điểm b khoản 4 Điều 169 quy định: người nào bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản mà hậu quả làm chết người thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

- Điểm c khoản 4 Điều 171 quy định: người nào cướp giật tài sản mà hậu quả làm chết người thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Khoản 5 Điều này còn quy định: “Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng”.

- Điều 186 quy định: “Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe ... nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.

- Điểm g khoản 2 Điều 192 quy định: người nào sản xuất, buôn bán hàng giả mà hậu quả làm chết người thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

- Khoản 1 Điều 277 quy định: “Người nào chỉ huy, điều khiển tàu bay mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường không, có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”. Bên cạnh đó, điểm a, khoản 2 Điều 277 quy định: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: a) Làm chết người;... ”.

- Khoản 1 Điều 299 quy định: “Người nào nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mà xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình”.

Ngoài ra, trong Bộ luật Hình sự còn rất nhiều quy định, chế tài nhằm bảo vệ quyền sống của con người. Có thể nói, Bộ luật Hình sự là cơ sở pháp lý đầy đủ và cụ thể nhất để Nhà nước, tổ chức, cá nhân tùy theo thẩm quyền căn cứ vào đó mà có những hành động bảo vệ, lên án và trừng phạt những hành vi xâm phạm quyền sống của con người.

                                                                                             TIẾN ĐẠT

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập25
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm17
  • Hôm nay5,096
  • Tháng hiện tại31,425
  • Tổng lượt truy cập4,037,786
báo QĐND
csdl quoc gia ve van ban phap luat
hoctapvalamtheotamguonghochiminh
congthontintructuyen
webcskhdungdien
hopthudientu
duongdaynong
hopthuphongchongthamnhung
congbaotayninh
CCHC
hoidap
congkhaiminhbach
gopyduthao
tailieuxuctiendautu
guigopyphananhdan
guigopyphananhdoanhnghiep
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây