Vùng quê bên hữu ngạn sông Vàm

Thứ tư - 01/07/2020 22:05 659 0

Vùng quê bên hữu ngạn sông Vàm 

BTNO - Có 12 cây số từ Bến Sỏi lên cửa khẩu thôi, mà cũng nhiều nơi muốn níu chân ta lại. Như chợ Bến Sỏi, nhỏ nhưng tấp nập đông vui. Như chợ Hòa Bình, mới hoàn thành đầu năm 2020 vẫn còn màu sơn tươi roi rói. Hay làng nghề uốn tầm vông ở ấp Nam Bến Sỏi.

Cửa khẩu Phước Tân.

Xuất phát từ trung tâm TP.Tây Ninh thì chỉ hơn 10 cây số là tới cầu Bến Sỏi, cây cầu đầu tiên vượt sông Vàm Cỏ Đông nếu tính từ phía thượng nguồn. Đi thêm 12 cây số nữa là đến cửa khẩu Phước Tân, thuộc xã Thành Long của huyện Châu Thành. Trước mặt đã là đường biên giới thênh thang.

Tháng 5, Tây Ninh vẫn còn đang trong trạng thái cảnh giác cao độ với dịch Covid-19, nên bộ đội Biên phòng và nhân viên y tế vẫn khẩu trang kín mặt. Bên kia đường biên xe vận tải xếp hàng dài chờ làm thủ tục kiểm tra. Xe qua, đã có vài cái ngã ba đưa đón về các ngả.

Đường sang Ninh Điền, lối qua Hòa Thạnh. Vậy nên con đường Phước Tân- Bến Sỏi nay vẫn thong dong lắm. Tha hồ cho bạn, xe hơi, xe máy đi phượt trên một vùng quê biên giới xanh rờn.

Bến phà Cây Ổi.

Nói thêm một chút về con đường. Cách nay hơn 10 năm đấy là đường "độc đạo". Xa hơn nữa thì đây chính là một đoạn của con đường thuộc địa số 1 thời Nam kỳ thuộc Pháp. Đấy là theo một nghị định của Thống đốc Nam kỳ năm 1886 phân loại các con đường (theo Nguyễn Đình Tư, sách Nam kỳ thời Pháp thuộc). Lúc ấy còn chưa có quốc lộ 22A, qua cửa khẩu Mộc Bài và cả quốc lộ 22B lên Xa Mát. Vậy nên muốn đi sang Campuchia, chỉ có đường này thôi.

Tôi vừa mới nghĩ đến hai chữ Di tích khi phân vân, rằng có nên xếp hạng Di tích cửa khẩu cổ nhất này không? Thì đã gặp ngay một di tích của cuộc chiến đấu chống ngoại xâm. Lùi về phía sau cửa khẩu một chặng ngắn là khu nhà bia tưởng niệm liệt sĩ đồn Biên phòng Phước Tân. Chỉ có hai màu hoa trắng, đỏ rung rinh trước ngõ đón ta vào. Đỏ rực rỡ màu cờ là màu râm bụt. Trắng như đàn bướm bay trên các vòm lá xanh rờn của một loài còn chưa rõ tên.

Bia tưởng niệm liệt sĩ Biên phòng Đồn Phước Tân.

Bao quanh tảng đá bia ghi công còn rất nhiều cây sưa, mà lá non cũng ngời ngời sắc trắng. Bia là nguyên hai tảng đá. Một làm bệ, một được xẻ ra, mài bóng đen và khắc chữ vàng. Trên ấy là 36 dòng tên liệt sĩ biên phòng. Quê ở mọi miền, tuổi đôi mươi mười tám. Họ trẻ mãi với thời gian.

Có 12 cây số từ Bến Sỏi lên cửa khẩu thôi, mà cũng nhiều nơi muốn níu chân ta lại. Như chợ Bến Sỏi, nhỏ nhưng tấp nập đông vui. Như chợ Hòa Bình, mới hoàn thành đầu năm 2020 vẫn còn màu sơn tươi roi rói. Hay làng nghề uốn tầm vông ở ấp Nam Bến Sỏi.

Nghề này quá vất vả nên chỉ còn vài hộ theo nghề. Trời trưa nắng mà các bác thợ vẫn miệt mài dưới nắng. Bên cạnh họ lại còn cả một lò than hồng cháy rực. Họ xoay trở cây tầm vông trên lửa, uốn cho cây thẳng tắp trước khi giao cho thương lái đi về muôn nẻo quê hương.

Và đôi khi, ta vẫn phải dừng trước một cây hoa phượng rực đỏ, như trước trường Tiểu học Bến Sỏi. Để nhận ra, càng khát nắng, phượng lại càng thêm rực rỡ.

Nắng thì vẫn còn. Nhưng khát thì sắp hết. Tôi nhận ra điều này khi rẽ vào đường 781 qua Hòa Hội. Ấy là khi một quang cảnh mới, dường như là đầu tiên thấy ở Tây Ninh. Cả một con đường còn trắng phơ màu đất đắp đi trên cánh đồng lúa xuân hè mởn mơ xanh ở ấp Hòa Bình. Trên ấy lừng lững, dang dài một tuyến ống với những đường gân trụ đỡ bằng thép sơn màu xanh tươi rói.

Nhìn xa hút theo tuyến ấy là bóng núi Bà cao xanh vời vợi. Hỏi thăm bác thợ, bác bảo đây là tuyến ống đưa nước hồ Dầu Tiếng vượt sông sang vùng hữu ngạn sông.

Ống lớn 2 mét 40, đường rộng 24 mét. Tuyến ống tới đây, rồi tiếp tục sẽ là các con kênh đưa nước đến khắp vùng. Vậy là cả một miền quê, từ Ninh Điền đến Thành Long, lên tới Hòa Hội, Hòa Thạnh, Biên Giới sẽ lại càng xanh hơn. Như lời một bài ca đã viết: "Chiều biên giới em ơi/ Có nơi nào xanh hơn/ Như chồi non cỏ biếc…".

Tuyến ống của dự án đưa nước hồ Dầu Tiếng vượt sông.

Vừa rời công trường ấy, tôi lại gặp ngay một điều kỳ diệu khác. Ấy là gặp bầy đàn cò nhạn đang bay lừng lững cao tít tắp giữa trời xanh. Cò mà lại có kiểu bay lượn của diều hâu và bay cao hơn cả diều hâu. Bác nông dân bảo, đàn này có khoảng 2.000 con, suốt tháng 5 đã về đây. Ban ngày chúng mò ốc ở ven sông, tối bay về ngủ trên rừng Hòa Hội.

Cò nhạn bay về Hòa Hội.

Nhưng vẫn còn một điều kỳ diệu nữa chờ tôi, ấy là hôm tôi đi đã diễn ra lễ hợp long cầu Bến Cây Ổi, nối xã Phước Vinh bên tả ngạn sang bên này- Hòa Thạnh. Tôi tới vừa kịp lúc những cánh tay cần cẩu vĩ đại nhấc bổng từng cây dầm bê tông 620 Châu Thới, nối liền nhịp cuối thênh thang 40 mét rộng giữa dòng sông.

Hợp long cầu Bến Cây Ổi.

Chợt nhớ lại, những cái tên Cây Ổi, Băng Dung…từng là bến của con đường giao liên từ miền Tây lên căn cứ R- Trung ương Cục miền Nam. Đây cũng chính là miền đất chịu nhiều đau thương tổn thất suốt thời ta chống Mỹ. Những điều kỳ diệu vừa kể, có phải là những đáp đền xứng đáng cho miền đất này không?

Nguồn: baotayninh.vn

  Ý kiến bạn đọc

Danh mục
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập6
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm2
  • Hôm nay194
  • Tháng hiện tại59,336
  • Tổng lượt truy cập4,903,962
Một cửa điện tử
báo QĐND
csdl quoc gia ve van ban phap luat
hoctapvalamtheotamguonghochiminh
congthontintructuyen
webcskhdungdien
hopthudientu
duongdaynong
hopthuphongchongthamnhung
congbaotayninh
CCHC
hoidap
congkhaiminhbach
gopyduthao
tailieuxuctiendautu
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây