BTN - Thật lạ lùng, ở ấp Phước Tân, xã Thành Long, huyện Châu Thành cũng có một ngôi miếu thờ bà Chúa Xứ. Trên đường 781 từ Châu Thành lên cửa khẩu Phước Tân, khi gần tới đồn biên phòng có một con đường đất đỏ quẹo về bên trái. Đầu đường có tấm biển nhỏ ghi: Miếu Bà - 300 mét. Miếu nằm về phía phải con đường, dưới bóng những tàng cây cổ thụ xanh um.
Ngày cúng vía Bà 24.4 âm lịch (15.6)
Lạ là bởi, miền đất này trước kia còn thuộc xã Ninh Điền - vùng chiến tranh quyết liệt giữa quân dân cách mạng Châu Thành với các thế lực ngoại xâm. Từ kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ, rồi qua chiến tranh biên giới Tây Nam, vậy mà ngay cả một ngôi miếu nhỏ cũng ngoan cường tồn tại. Miếu đã bao lần bị đạn bom huỷ hoại, nhưng vẫn hồi sinh trên đống hoang tàn gạch nát nhà tan.
Kể đến Ninh Điền, cũng nên nhắc lại, miền đất này được triều Nguyễn thiết lập từ năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), thuộc tổng Giai Hoá (Từ điển địa danh hành chính Nam bộ - Nguyễn Đình Tư, NXB Chính trị Quốc gia).
Như vậy, thuở ban đầu, Ninh Điền (trong đó có Thành Long) là "người anh em" gần gũi với các xã nay thuộc huyện Bến Cầu. Cho đến tháng 5.1955, chính quyền Sài Gòn mới tách Ninh Điền về tổng Hoà Ninh, tổng chủ yếu để trở thành huyện Châu Thành trong hiện tại.
Trở lại với miếu Bà, ông Nguyễn Văn Cam là cháu nội của người có công tạo lập miếu cho hay, miếu đã có ít ra là từ bảy, tám mươi năm trước. Thoạt tiên là đời ông nội, sau đó tới đời cha là ông Năm Me (đã mất).
Nếu ông Năm còn thì nay đã tuổi 83. Chính ông Năm là người đã trồng những cây cổ thụ bao bọc ngôi miếu Bà. Đấy là hai cây bã đậu có đường kính gốc hơn 1 mét, cùng nhiều cây bạch đàn, xà cừ nay rợp bóng mát như một cụm rừng nho nhỏ.
Xung quanh, đất trời Thành Long còn trống thoáng, trải đến mênh mông, xa tắp màu xanh tươi cây trái của rẫy vườn. Xa xa về phía Nam là màu xanh mát rượi của nông trường mía Thành Long.
Vậy là miền đất này cũng đã được cha, ông mở mang khai phá từ rất sớm với quan niệm của dân gian: Bà Chúa Xứ là bà chúa của ruộng đồng (theo Trương Ngọc Tường- Đình Nam bộ- xưa và nay). Việc lập miếu thờ Bà luôn là công việc đầu tiên của những người đi khai phá miền đất mới.
Giữa một vùng chỉ có vườn cây, ruộng rẫy, dân cư còn thưa thớt, vậy mà miếu Bà ở Phước Tân vẫn được người dân (thường từ nơi khác đến) chăm lo nhang khói mỗi ngày.
Ông Nguyễn Văn Cam chính là người quản lý miếu, có nhà ở gần bên cho biết chẳng mấy khi mình phải lo toan, vì thường xuyên có bà con bán buôn dưới chợ Hoà Bình lên, lúc lại là chị bán vé số ngoài cửa khẩu ghé vào quét dọn và chăm lo nhang đèn, bông trái.
Ông chỉ còn phải lo mỗi một việc lớn thôi, là chuyện tu bổ, sửa sang ngôi miếu. Lần gần đây nhất vào tháng 4.2020, giữa lúc đại dịch Covid-19 hoành hành; trước nữa là lần xây lại miếu sau khi kết thúc chiến tranh biên giới Tây Nam.
Năm ấy, miếu đã bị đốt phá tan hoang, không gì còn sót lại. Khi xây lại, miếu cũng được quay về hướng núi Bà Đen. May mắn là các chiến sĩ Biên phòng cũng tìm lại được một cái lư hương, di vật của người xưa được đẽo tạo sơ sài bằng đá núi.
Nay miếu cũng đã đàng hoàng như nhiều ngôi thờ Bà ở các miền quê khác. Kích thước mặt bằng là 6m x 7,5m, chỉ có một gian và một vách ngăn chia làm hai nhịp trước, sau.
Nhịp trước là bàn thờ chính với bên phải đặt tượng thờ Bà Chúa Xứ Nguyên Nhung, bên trái đặt tượng Mẹ Địa Mẫu và năm vị Ngũ Hành nương nương theo quan niệm dân gian truyền thống. Đấy chính là tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt có ở khắp nơi trong nước.
Năm 2016, UNESCO đã công nhận di sản "thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt". Tín ngưỡng này cũng đã được các tôn giáo tiếp thu trong giáo lý, lễ nghi để thu hút tín đồ. Chung quanh ngôi miếu chính còn có các ngôi miếu nhỏ thờ các ông Tà, binh gia tướng, Địa tạng vương và chiến sĩ…
Gian phía sau miếu chính có các bàn thờ tiền tổ, hậu tổ và cửu huyền thất tổ. Dường như không thiếu một vị nào trong tập hợp các thánh thần được tích hợp thờ trong các ngôi đình miếu miền Nam.
Lễ cúng lớn nhất ở miếu Bà Phước Tân là vào ngày 23 và 24 tháng 4 âm lịch, trùng với ngày lễ hội vía Bà ở núi Sam Châu Đốc, An Giang. May sao, năm Canh Tý 2020 có đến hai tháng 4 do nhuận, nên đến 24 tháng 4 nhuận, tức ngày 15.6, miếu lại tưng bừng lễ vía Bà.
Có lẽ đây cũng là lễ hội đầu tiên trên vùng Bắc Tây Ninh kể từ khi xảy ra dịch bệnh Covid-19. Cũng vì thế lễ hội miếu ở Phước Tân, dù chưa được như mọi năm nhưng đã trở lại trong trạng thái bình thường mới, với đủ các màu sắc, âm thanh làm nô nức lòng người.
Trên sân miếu bày la liệt các mâm vàng, hương và những toà tháp bằng giấy trang kim vàng chói; lại có những bàn bày quả phẩm, lễ vật, nhang đèn cùng với xôi, chè, chén hoa cúc vàng ươm nghi ngút hương hoa. Trên các ban thờ đầy ắp các vật phẩm cúng với trầu cau, bông, trái… Tuy là cúng chay, nhưng cũng có một mâm "tam sên" với đủ hột vịt, thịt heo, tôm khô cùng một con gà luộc. Mâm cúng này sau đó được dâng vào miếu thờ chiến sĩ.
Điều đặc biệt trong lễ vía Bà ở Phước Tân chính là nghi thức cúng lễ. Nghi lễ có cả màn hát chầu mời do các nghệ nhân lão thành thực hiện rất đậm màu lễ nghi truyền thống xa xưa.
Sau nữa là trống và lân do các toán trai tráng biểu diễn thật rầm rộ, tưng bừng. Song, điều người ta chờ đợi nhiều nhất vẫn là các màn múa mâm vàng, hát bóng. Khi ấy, các vật phẩm cúng gồm nhang đèn, hoa cúc, mâm vàng… được dâng lên ban thờ chính bằng những màn múa điệu nghệ và đẹp mắt. Ngoài các nghệ nhân tuổi cao, còn có cả "nam thanh, nữ tú" phô diễn những điệu múa biến ảo linh hoạt mà vẫn thành kính trang nghiêm… Trong khi ấy, dòng người vẫn đổ về miếu Bà.
Họ tiếp tục dâng lên những hoa thơm và trái ngọt của khắp miền quê kiểng Thành Long. Hớn hở, vui tươi nhưng từ tốn và trật tự. Một mùa bình thường mới đã trở về trong ngày đầu tiên cúng miếu Phước Tân. Ai cũng cầu mong cho "Phong điều vũ thuận, Quốc thái dân an", để quê hương thật sự trở lại bình thường sau mấy tháng gian nan chống dịch.
Nguồn: baotayninh.vn
Ý kiến bạn đọc