BTNO - Hy vọng với tốc độ thi công dự án như hiện nay, người dân 2 huyện Châu Thành và Bến Cầu sẽ sớm được thụ hưởng nguồn nước thuỷ lợi từ hồ Dầu Tiếng phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế xã hội của 2 huyện biên giới.
Các hạng mục kênh chính của dự án đã hoàn thành khối lượng khoảng 70%.
Theo Ban Quản lý dự án ngành Nông nghiệp tỉnh Tây Ninh, vùng tưới của dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông nằm trong quy hoạch tưới thuỷ lợi đã được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 37 ngày 13.5.2008, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thuỷ lợi tỉnh Tây Ninh đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
Khi hoàn thành, khu tưới của dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông nằm trên địa bàn hai huyện Châu Thành và Bến Cầu trải dài từ phía Tây Bắc xuống Đông Nam của tỉnh. Theo thiết kế, dự án sẽ cấp nước tưới tự chảy cho diện tích 16.953 ha đất nông nghiệp. Trong đó công trình dẫn nước vượt sông Vàm Cỏ Đông dài 2,361 km bằng cầu máng qua ống thép.
Ngoài ra, công trình có kênh tưới chính dài 29,41 km, lưu lượng thiết kế đầu kênh là 12,14 m3/s và kênh cấp 1 có tổng chiều dài 71,7 km. Công trình được khởi công vào tháng 4.2018 và dự kiền hoàn thành đưa vào sừ dụng vào năm 2022.
Đây là dự án được nhiều người dân tại 2 huyện Châu Thành và Bến Cầu mong mỏi nhằm giải quyết tình trạng "khát" nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp vào mùa khô. Vì thế, người dân 2 địa phương này luôn theo dõi tiến độ xây dựng và mong muốn dự án sớm hoàn thành.
Hạng mục đưa nước vượt qua sông Vàm Cỏ Đông đang được khẩn trương thi công.
Theo Ban Quản lý dự án ngành Nông nghiệp tỉnh, chủ đầu tư và các nhà thầu đã cùng nhau khắc phục những khó khăn đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục công trình nhưng vẫn bảo đảm chất lượng theo đúng thiết kế.
Tính đến tháng 8.2020, luỹ kế vốn kế hoạch được bố trí cho dự án là 815,6 tỷ đồng (bao gồm: vốn kế hoạch năm 2017: 10 tỷ, năm 2018: 418,55 tỷ đồng, năm 2019: 100 tỷ đồng, vốn kế hoạch năm 2020: 287,05 tỷ đồng). Giải ngân vốn kế hoạch năm 2020 đến nay là 184,6 tỷ đồng, đạt 64%, còn lại của năm 2020 là 102,5 tỷ đồng.
Hiện nay tuyến kênh chính trên địa bàn huyện Bến Cầu đã giải phóng hoàn toàn mặt bằng. Riêng Trang trại bò sữa Vinamilk đã bàn giao mặt bằng để thi công trước khi nghỉ Tết (ngày 20.1.2020).
Đối với việc đền bù giải phóng mặt bằng kênh cấp 1, UBND huyện đã phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư. Trung tâm phát triển quỹ đất huyện đang lên kế hoạch chi trả tiền cho các hộ dân và dự kiến trong tháng 8/2020 sẽ chi trả xong, ước khối lượng thực hiện đến nay đạt khoảng 80%.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện Châu Thành, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện cam kết sẽ hoàn thiện phương án đền bù giải phóng mặt bằng kênh cấp 1 trước ngày 30.9.2020.
Phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư tuyến kênh chính (trên địa bàn xã Thành Long) đã được phê duyệt vào ngày 7.5.2020, hiện Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Châu Thành đã và đang chi trả tiền cho các hộ dân, uớc khối lượng thực hiện đến nay đạt khoảng 60%.
Hệ thống ống nước đưa nước vượt sông Vàm Cỏ Đông tại 2 đầu bờ sông đang được thi công.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng cũng đã yêu cầu UBND huyện Châu Thành chỉ đạo các phòng chuyên môn đẩy nhanh tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng kênh cấp 1 taại buổi kiểm tra, khảo sát thực tế các dự án công trình trên địa bàn tỉnh tại buổi đi kiểm tra, khảo sát thực tế ngày 17.7.2020.
Thời gian qua, khối lượng thi công chủ yếu tập trung những gói thầu đã thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng gồm gói thầu số 7, 8, 9, 10, 13, 14, 15. Trong đó các gói thầu số 7, 8, 9 cơ bản đã hoàn thành; gói thầu số 10, 13, 14, 15 đạt khoảng 70%.
Các gói thầu còn lại của kênh cấp 1 do chưa thực hiện công tác giải phóng mặt bằng xong nên chỉ triển khai một số hạng mục cống qua đường. Theo đó, cơ bản về tiến độ thực hiện chung của dự án sẽ hoàn thành đúng kế hoạch. Tuy nhiên theo Ban quản lý dự án ngành Nông nghiệp tỉnh, với tiến độ giải phóng mặt bằng và tiến độ thi công như hiện nay, có khả năng dự án sẽ sớm hoàn thành đưa vào sử dụng so với dự kiến ban đầu.
Tuy nhiên để dự án được triển khai thuận lợi, phần kênh cấp 1 trên địa bàn huyện Bến Cầu cần hoàn thiện công tác chi trả tiền cho các hộ dân trước 30.8.2020. Đối với phần tuyến kênh cấp 1 trên địa bàn các xã Hoà Hội, Thành Long, Ninh Điền, huyện Châu Thành, cần đẩy nhanh các bước thực hiện đảm bảo đúng tiến độ, chậm nhất đến ngày 30.9.2020 hoàn thiện công tác chi trả tiền cho các hộ dân.
Theo anh Nguyễn Văn Dũng, một nông dân tại ấp Hoà Bình, xã Hoà Hội, hàng chục năm qua, người dân canh tác lúa tại cánh đồng ấp Hoà Bình chủ yếu nhờ vào nước kênh sông Vàm Cỏ Đông dẫn vào cánh đồng. Sau đó, người nông dân phải bơm nước từ kênh vào ruộng nhưng phải phụ thuộc vào thuỷ triều.
Do đó người nông dân phải tốn thêm chi phí bơm nước phục vụ cho sản xuất. Vì vậy mà khi dự án được triển khai, không chỉ anh Dũng mà nhiều nông dân tại các xã ở Châu Thành rất phấn khởi chờ tới ngày được sử dụng nguồn nước thuỷ lợi hồ Dầu Tiếng. Khi đó người dân vừa đỡ tốn chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất vì chủ động được nguồn nước.
Tuy nhiên điều làm anh Dũng băn khoăn là, khi các tuyến kênh chính hoàn thành, chính quyền cần sớm triển khai các tuyến kếnh nhánh, kênh phụ dẫn nước vào các cánh đồng để người dân thuận lợi hơn trong việc sử dụng nước thuỷ lợi.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc – Chủ tịch UBND xã Ninh Điền, huyện Châu Thành cho biết, trên địa bàn xã hiện nay việc sản xuất nông nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào tuyến kênh thuỷ lợi của Trạm bơm Long Phước. Thế nhưng tuyến kênh này chỉ phục vụ được nước tưới cho diện tích khoảng 200ha đất sản xuất của người dân.
Trong khi đó, toàn xã có trên cả ngàn ha đất nông nghiệp, vì thế mà người dân phải bơm nước phục vụ sản xuất, tốn kém chi phí. Do đó, khi có tuyến kênh đưa nước vượt sông Vàm Cỏ Đông về, người dân rất mong dự án sớm hoàn thành. Chính quyền địa phương luôn hỗ trợ hết mình cho công tác vận động người dân giải phóng mặt bằng tạo thuận lợi cho dự án thi công.
Hy vọng với tốc độ thi công dự án như hiện nay, người dân 2 huyện Châu Thành và Bến Cầu sẽ sớm được thụ hưởng nguồn nước thuỷ lợi từ hồ Dầu Tiếng phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, góp phần phát triển kinh tế xã hội của 2 huyện biên giới.
Nguồn: baotayninh.vn
Ý kiến bạn đọc