Xác định "nơi cư trú" của công dân theo Luật Cư trú năm 2020
Luật Cư trú được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 13/11/2020. Luật Cư trú sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2021.
Luật Cư trú năm 2020 quy định rõ việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cụ thể việc xác định "nơi cư trú" của công dân theo Luật Cư trú năm 2020 như sau:
Xác định nơi cư trú của công dân:
Nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú.
Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú (ĐKTT).
Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú.
Xác định nơi cư trú của người chưa thành niên:
- Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống; trường hợp không xác định được nơi thường xuyên chung sống thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi do cha, mẹ thỏa thuận; trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được thì nơi cư trú của người chưa thành niên do Tòa án quyết định.
- Người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định.
Xác định nơi cư trú của người được giám hộ:
- Nơi cư trú của người được giám hộ là nơi cư trú của người giám hộ.
- Người được giám hộ có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của người giám hộ nếu được người giám hộ đồng ý hoặc pháp luật có quy định.
Xác định nơi cư trú của vợ, chồng:
- Nơi cư trú của vợ, chồng là nơi vợ, chồng thường xuyên chung sống.
- Vợ, chồng có thể có nơi cư trú khác nhau theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan.
Xác định nơi cư trú của người học tập, công tác, làm việc trong lực lượng vũ trang:
- Nơi cư trú của sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, sinh viên, học viên các trường Quân đội nhân dân là nơi đơn vị của người đó đóng quân, trừ trường hợp sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng có nơi cư trú khác theo quy định.
- Nơi cư trú của sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, học sinh, sinh viên, học viên các trường Công an nhân dân, hạ sĩ quan nghĩa vụ, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an là nơi đơn vị của người đó đóng quân, trừ trường hợp sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an có nơi cư trú khác theo quy định.
Xác định nơi cư trú của người sinh sống, người làm nghề lưu động trên tàu, thuyền hoặc phương tiện khác có khả năng di chuyển:
- Nơi cư trú của người sinh sống, người làm nghề lưu động trên tàu, thuyền hoặc phương tiện khác có khả năng di chuyển (gọi chung là phương tiện) là nơi đăng ký phương tiện đó, trừ trường hợp có nơi cư trú khác theo quy định.
Đối với phương tiện không phải đăng ký hoặc có nơi đăng ký phương tiện không trùng với nơi thường xuyên đậu, đỗ thì nơi cư trú của người sinh sống, người làm nghề lưu động là nơi phương tiện đó thường xuyên đậu, đỗ.
Xác định nơi cư trú của người hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, trẻ em, người khuyết tật, người không nơi nương tựa trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo:
- Nơi cư trú của người hoạt động tín ngưỡng, nhà tu hành, chức sắc, chức việc, người khác hoạt động tôn giáo sinh sống trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo là cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo, trừ trường hợp có nơi cư trú khác theo quy định của Luật.
- Nơi cư trú của trẻ em, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không nơi nương tựa được nhận nuôi và sinh sống trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo là cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.
Xác định nơi cư trú của người được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp:
- Nơi cư trú của người được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp tại cơ sở trợ giúp xã hội là cơ sở trợ giúp xã hội.
- Nơi cư trú của người được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng là nơi cư trú của người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng.
Xác định nơi cư trú của người không có nơi thường trú, nơi tạm trú:
- Nơi cư trú của người không có cả nơi thường trú và nơi tạm trú do không đủ điều kiện ĐKTT, ĐK tạm trú là nơi ở hiện tại của người đó; trường hợp không có địa điểm chỗ ở cụ thể thì nơi ở hiện tại được xác định là đơn vị hành chính cấp xã nơi người đó đang thực tế sinh sống. Người không có nơi thường trú, nơi tạm trú phải khai báo thông tin về cư trú với cơ quan ĐK cư trú tại nơi ở hiện tại.
Trường hợp người này chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiếp nhận thông tin khai báo, cơ quan ĐK cư trú tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin; trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 60 ngày.
Trường hợp người này đã có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận thông tin khai báo, cơ quan ĐK cư trú tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin.
Quyền, nghĩa vụ của chủ hộ và thành viên hộ gia đình về cư trú:
- Những người cùng ở tại một chỗ ở hợp pháp và có quan hệ gia đình là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh ruột, chị ruột, em ruột, cháu ruột thì có thể ĐKTT, ĐK tạm trú theo hộ gia đình (GĐ).
Người không thuộc trường hợp này nếu có đủ điều kiện ĐKTT, ĐK tạm trú tại cùng một chỗ ở hợp pháp thì được ĐKTT, ĐK tạm trú vào cùng một hộ GĐ.
- Nhiều hộ GĐ có thể ĐKTT, ĐK tạm trú tại cùng một chỗ ở hợp pháp.
- Chủ hộ là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ do các thành viên hộ GĐ thống nhất đề cử; trường hợp hộ GĐ không có người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì chủ hộ là người được các thành viên hộ GĐ thống nhất đề cử; trường hợp các thành viên hộ GĐ không đề cử được thì chủ hộ là thành viên hộ GĐ do Tòa án quyết định.
Trường hợp hộ GĐ chỉ có một người thì người đó là chủ hộ.
- Chủ hộ có quyền và nghĩa vụ thực hiện, tạo điều kiện, hướng dẫn thành viên hộ GĐ thực hiện quy định về ĐK, quản lý cư trú; thông báo với cơ quan ĐK cư trú về việc trong hộ GĐ có thành viên thuộc trường hợp bị xóa ĐKTT.
- Thành viên hộ GĐ có quyền và nghĩa vụ thống nhất đề cử chủ hộ; thực hiện đầy đủ quy định về ĐK, quản lý cư trú.
Quy định về tách hộ:
Điều kiện tách hộ: Thành viên hộ GĐ được tách hộ để ĐKTT tại cùng một chỗ ở hợp pháp khi đáp ứng các điều kiện sau:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; trường hợp có nhiều thành viên cùng ĐK tách hộ để lập thành một hộ GĐ mới thì trong số các thành viên đó có ít nhất một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
- Được chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý, trừ trường hợp thành viên hộ GĐ đăng ký tách hộ là vợ, chồng đã ly hôn mà vẫn được cùng sử dụng chỗ ở hợp pháp đó.
- Nơi thường trú của hộ GĐ không thuộc trường hợp quy định về địa điểm không được đăng ký thường trú mới.
Hồ sơ tách hộ, gồm: tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho tách hộ của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản.
Hồ sơ tách hộ sau ly hôn: tờ khai thay đổi thông tin cư trú, giấy tờ, tài liệu chứng minh việc ly hôn và việc tiếp tục được sử dụng chỗ ở hợp pháp đó.
Thủ tục tách hộ:
- Người đăng ký tách hộ nộp hồ sơ đến cơ quan đăng ký cư trú.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan ĐK cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về hộ GĐ liên quan đến việc tách hộ vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin; trường hợp từ chối giải quyết tách hộ thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do./.
Diệp Để
Ý kiến bạn đọc