HUYỆN CHÂU THÀNH TỈNH TÂY NINH

https://chauthanh.tayninh.gov.vn


HIỆU QUẢ TỪ MÔ HÌNH THÍ ĐIỂM BÁN HÀNG VIỆT NAM

HIỆU QUẢ TỪ MÔ HÌNH THÍ ĐIỂM BÁN HÀNG VIỆT NAM

Thực hiện kế hoạch của Sở Công thương về xây dựng mô hình thí điểm bán hàng Việt Nam, tại huyện Châu Thành, Phòng kinh tế và hạ tầng huyện đã tham mưu UBND huyện chọn địa điểm xây dựng mô hình bán hàng Việt Nam tại cửa hàng tạp hóa Ngọc Ngân, ấp Xóm Ruộng xã Trí Bình. Sau một thời gian triển khai và đi vào hoạt động, mô hình điểm bán hàng Việt đã giúp người tiêu dùng có điều kiện tiếp cận tốt hơn với các sản phẩm được người Việt sản xuất, qua đó thúc đẩy hoạt động thương mại phát triển.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại cửa hàng Ngọc Ngân nơi được xây dựng mô hình về điểm bán hàng Việt Nam được trang trí khang trang, sạch sẽ, đẹp mắt; 100% hàng hóa bày bán tại điểm bán hàng Việt Nam là hàng hóa sản xuất trong nước, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác sản phẩm; bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng. Điểm bán hàng Việt thu hút đông đảo người dân mua sắm. Chị Nguyễn Thị Cẩm Loan, người dân đến mua hàng ở đây cho biết: khi đến điểm bán hàng Việt như thế này thì mình cảm thấy rất là an tâm, sản phẩm  có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có hạn sử dụng, hàng hóa phong phú. Hiện nay ở ngoài thị trường rất nhiều hàng trôi nổi không biết rõ xuất xứ nên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, cửa hàng Việt như thế này giống như một siêu thi thu nhỏ rất là tiện ích.

Còn chị Trịnh Thị Thoa, ngụ xã Thành Long chia sẻ, khi đến mua đồ tại cửa hàng Việt chị rất là vui, vì những sản phẩm nơi đây được trưng bày rất đẹp, người mua rất tiện lợi khi lựa chọn những sản phẩm mình cần. Đặc biệt các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, những người nội trợ như chị thì việc biết rõ nguồn gốc sản phẩm rất quan trọng cho bữa ăn gia đình. Mong rằng những điểm bán hàng việt như thế này sẽ ngày càng nhiều ở các xã để mọi người có thể biết đến sản phẩm qua đó cũng tham gia Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dung hàng Việt Nam. Chị chia sẻ.

Chị Lữ Thị Thúy Oanh, chủ cửa hàng tạp hóa Ngọc Ngân, nơi được chọn làm mô hình điểm bán hàng Việt chia sẻ: Khi tham gia mô hình, cửa hàng chúng tôi được hỗ trợ về cơ sở vật chất, được cán bộ của Sở Công thương, của huyện tích cực tư vấn hướng dẫn các vấn đề liên quan đến kinh doanh, những quy định của pháp luật cần thực hiện đối với một hộ kinh doanh, qua đó giúp cho chủ cơ sở thực hiện mô hình đảm bảo các tiêu chí về một cơ sở kinh doanh theo quy định.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Điệp, Phó trưởng phòng kinh tế - hạ tầng huyện Châu Thành cho biết, qua khảo sát, điểm bán hàng Việt ra đời bước đầu đã thay đổi nhận thức của người dân trong việc lựa chọn sử dụng các sản phẩm do các doanh nghiệp sản xuất trong nước thay vì lựa chọn sử dụng các mặt hàng ngoại nhập, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ như trước đây, nhằm tăng thêm uy tín cho hàng Việt, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng. Có thể nói, “điểm bán hàng Việt Nam” đã thực sự mang lại hiệu quả, ngoài việc giúp nguời dân tiếp cận dễ dàng hơn với những sản phẩm hàng Việt đa dạng, phong phú và chất lượng, những điểm bán hàng này còn góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, từ đó tăng cơ hội kết nối, giao thương giữa các doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng trên địa bàn, để đưa hàng Việt Nam tới gần hơn với người Việt Nam. Qua đó, sẽ góp phần thúc đẩy, nâng cao ý thức của người dân về thực hiệc cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Tác giả: Châu Thành Quản trị

Nguồn tin: Thiện Nhân

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây